Viết Quảng Cáo Theo Phong Cách Ogilvy

Những điều nên ghi nhớ để viết nội dung quảng cáo hiệu quả:

  • Viết quảng cáo ở ngôi số ít như đang trò chuyện 1 on 1 với người đọc. Họ đọc quảng cáo của bạn khi họ 1 mình.
  •  Sử dụng câu ngắn và đoạn văn ngắn. KHÔNG dùng từ khó hiểu.
  • Không viết văn theo cấu trúc mở-thân-kết.
  • Hãy viết quảng cáo của bạn như kể một câu chuyện.
  • Không dùng phép liên tưởng, vì người đọc sẽ không hiểu.
  • Không dùng phép so sánh tuyệt đối (Nhất, Số 1…). Người đọc không tin vào những điều đó.
  • Nếu bạn thêm vào mẫu quảng cáo nhận xét của những khách hàng khác, điều đó sẽ làm quảng cáo của bạn có vẻ đáng tin hơn.
  • Nhận xét của người nổi tiếng có độ gợi nhớ cao, nhưng người đọc sẽ nhớ về người nổi tiếng nhiều hơn nhớ về sản phẩm của bạn.
  • Nhận xét của chuyên gia (9/10 bác sĩ khuyên dùng…) lại có độ tin cậy cao.
  • Cố gắng đưa giá của sản phẩm vào mẫu quảng cáo nếu được, nó sẽ tác động trực tiếp đến việc khách hàng có muốn mua hay không ngay thời điểm đọc thay vì bỏ qua và lãng quên.

Công thức 4 U trong việc tạo Headline

Một tiêu đề hay – đó chính là cái mà rất nhiều người làm nghề viết lách vẫn thường mất nhiều thời gian để suy nghĩ. Một trong những công thức phổ biến được nhiều CopyWriter kì cựu biết được chính là công thức 4 U.

Vậy 4 chữ U đó là gì ? Nó bao gồm sự cấp bách (urgent), Sự bổ ích ( useful ), Sự độc đáo ( Unique ) và  Sự cụ thể ( Ultra-Specific ). Một câu headline hay không nhất thiết phải có đủ cả 4 yếu tố này nhưng nếu được áp dụng đầy đủ chắc chắn câu tựa đề của bạn sẽ khiến cho người đọc không thể không click vào xem. Công thức này không chỉ được ứng dụng trong việc viết headline của các bài Article mà còn cả tựa đề email, newsletter, ebook…

Vậy chính xác nó được áp dụng ra sao ?

1.Urgent: ( Sự cấp bách )
Một tiêu đề hay nhất thiết phải tạo ra một sự cấp bách, thôi thúc trong lòng người đọc. Chính sự thôi thúc này khiến cho người ta phải mở email cũng như đọc bài viết của bạn. Và động lực ở đây chính là việc tiêu đề gãi đúng “chỗ ngứa” và đưa ra giải pháp nhanh chóng cho vấn đề mà người đọc đang quan tâm tìm kiếm. Thông thường những từ ngữ giúp tạo sự khẩn cấp trong headline là từ chỉ thời gian: “trong vòng xx ngày” ” vài phút ” “xx giây”…, chỉ sự nhanh chóng: “ngay tức khắc” “chỉ trong 1 nốt nhạc”…

2.Useful: ( Sự hữu ích )
Như đã nói, một tiêu đề hay chắc chắn cần phải đưa ra những thông tin hữu ích cho vấn đề của người đọc. Độc giả có quá ít thời gian và quá nhiều lượng thông tin phải tiêu thụ, do đó nếu bài viết không cung cấp bất kì giá trị cho họ thì nó cũng sẽ mau chóng bị bỏ qua. Kể cả khi những hình thức câu like, giật tít có thể thu hút độc giả vào bài viết thì sự hữu ích mới chính là thứ khiến họ tiếp tục đọc chứ không đi ra chỉ trong vài giây.

3.Unique ( Sự độc đáo )
Sự độc đáo chính là thứ giúp cho headline của bạn nổi bật giữa hàng trăm, hàng nghìn tựa đề khác trên mạng. Nếu như người đọc thấy tựa đề của bạn “hao hao” giống 1 tựa đề họ đã đọc trước đây thì xin chia buồn, bài viết của bạn sẽ có 90% khả năng bị bỏ qua không thương tiếc rồi đấy. Sự độc đáo trong một câu tựa đề phụ thuộc vào cách mà bạn tiếp cận vấn đề, cách thể hiện câu chữ ( văn phong )…

4. Ultra- Specific ( Sự cụ thể )
Sự cụ thể chính là chi tiết những gì độc giả sẽ đón nhận được gì từ bài viết. Bạn càng viết cụ thể bao nhiêu càng giúp cho người đọc thấy rõ hơn lợi ích dành cho mình bấy nhiêu và tất nhiên, khiến cho bài viết hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, điều khiến sự cụ thể khác với sự hữu ích chính là việc nó gợi ra cụ thể hơn quyền lợi của người đọc. Một tựa đề có thể hữu ích nhưng không cụ thể mà chung chung ( tốt hơn, đẹp hơn nhưng cụ thể là đến đâu ? ) hoặc cụ thể nhưng không hữu ích ( liệu đó có phải là vấn đề thực sự mà độc giả đang gặp ? )

Tóm lại để viết được một câu tựa đề hay, đủ sức thuyết phục người đọc click vào đó thì nó “nên” ( ở đây mình không dùng từ “cần” vì nó không bắt buộc ) có đủ 4 yếu tố sau:

  • Càng có ích với người đọc càng tốt
  • Tạo sự cấp bách cho vấn đề của người đọc
  • Độc đáo, khác lạ gây tò mò
  • Và thật sự là cụ thể

Ví dụ thực tế

Hãy lấy câu tựa đề của chính bài này ” Công thức 4 U trong việc tạo Headline” làm một ví dụ. Đây là một câu headline thông thường không có gì đặc biệt. Hãy áp dụng công thức 4 U chúng ta vừa đọc để xem có thể làm nó khá hơn không nhé:

  • Urgent – Sự cấp bách ( Yếu ) : Rõ ràng câu này không có đề cập đến thời gian hoặc sự thúc giục người đọc click vào.
  • Useful – Sự hữu dụng ( Khá ): Việc cung cấp công thức viết headline dành cho đối tượng CopyWriter tỏ ra khá hữu dụng. Tuy vậy nó vẫn chưa đủ mạnh để thực sự tạo sự cần thiết phải xem
  • Unique – Sự độc đáo ( Khá): Dạng câu ” Công thức…. cho…” không được mới cho lắm. Tuy “công thức 4 U” nhiều người chưa nghe qua nhưng dạng câu quen thuộc đã khiến cho nó bị giảm đi yếu tố mới lạ khá nhiều.
  • Ultra – Specific – Sự cụ thể ( yếu ): Tuy tựa đề đã nói rõ lợi ích bằng việc sẽ giúp cho người đọc tạo ra ” headline” nhưng rõ ràng nó có thể cụ thể hơn khi chỉ ra rằng công thức này sẽ giúp cho họ tạo headline dễ dàng hay hấp dẫn ra sao.

Hãy xem sau khi sửa chúng ta có nào:

Bật mí công thức 4 chữ U cho một headline ( tựa đề ) hoàn hảo
  • Sự cấp bách đã được thể hiện rõ hơn qua từ ” Bật mí” Nó giúp cho người đọc cảm thấy như sắp được thông báo một thông tin quan trọng vậy
  • Từ “công thức 4 chữ U” là keyword quan trọng và cung cấp nội dung hữu ích nên mình vẫn giữ lại y nguyên. Chúng ta cũng có thể thay từ ” Headline” bằng từ ” tựa đề” nếu thích.
  • Từ ” hoàn hảo” là sự bổ sung tuyệt vời và chỉ ra cho người đọc sự cụ thể về lợi ích mà họ đạt được. Quả thật nó rõ ràng hơn hẳn khi để ” headline” đi riêng.
  • Chúng ta cũng có thể thêm chút thời gian ( trong vòng 5 phút chẳng hạn ) vào phía cuối câu để tạo thêm tính cấp bách. Tuy vậy, theo mình nó làm câu nghe không hay và hơi dài.

Không chỉ được áp dụng trong việc tạo 1 headline hay, công thức 4 chữ U này còn có thể được áp dụng vào việc viết copy trong bài tuy có đôi chút khác biệt. Ngoài ra, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể áp dụng được triệt để cả 4 chữ U trong việc viết tựa đề. Đôi khi việc này gây nên một câu tựa đề quá dài và dễ gây nhàm chán cho người đọc. Tuy vậy công việc của một người CopyWriter là áp dụng càng nhiều 4 chữ U này càng tốt và sao cho hợp lý để tạo ra không chỉ những tựa đề mà bài viết hấp dẫn người đọc.

Hãy chịu khó để ý, quan sát các tựa đề mà theo bạn là hấp dẫn và thu hút người đọc. Theo bạn họ có áp dụng đúng đủ cả 4 chữ U này không ?